MT&Partners

So sánh chế định bảo lãnh theo BLDS 2005 và 2015

06-04-22 MT & Partners

Bảo lãnh là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định trong pháp Luật Dân sự Việt Nam ngay từ những ngày đầu xây dựng pháp luật, cụ thể chế định bảo lãnh được quy định lần đầu trong Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế của Hội đồng Nhà nước số 24-LCT/HĐNN8 ngày 25 tháng 9 năm 1989, điều này cho thấy bảo lãnh là một trong những chế định quan trọng trong pháp luật dân sự. Vậy bảo lãnh được quy định như thế nào tại BLDS hiện hành và có gì khác so với BLDS 2005? Chúng ta hãy cũng tìm hiểu ngay sau đây 

1. Khái quát chung về bảo lãnh 

“Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.” (Điều 335 BLDS 2015). 

Về bản chất bảo lãnh là biện pháp bảo đảm mang tính đối nhân – nghĩa là nếu người được bảo lãnh không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ, thì phát sinh nghĩa vụ của bên bảo lãnh sẽ phải dùng tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ thay cho người được bảo lãnh. Quan hệ bảo lãnh được xác lập trên nguyên tắc khi bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh đạt được thoả thuận với nhau, thì bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh nếu nghĩa vụ đến hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.  

2. So sánh chế định bảo lãnh theo BLDS 2005 và BLDS 2015 

Xuất phát từ yêu cầu xây dựng BLDS 2015 có tính kế thừa, chọn lọc và phát triển BLDS 2005. Vì vậy, ngoài những quy định mới nhằm điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của xã hội, thì BLDS 2015 vẫn giữ  một số  nội dung đã quy định về bảo lãnh tại BLDS 2005, cụ thể là: 

2.1. Giống nhau:

  • Thứ nhất: về khái niệm bảo lãnh, cả BLDS 2005 và BLDS 2015 đều quy định tương đối giống nhau, nghĩa là vẫn quy định bảo lãnh là việc người thứ ba cam kết với bên nhận bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho người được bảo lãnh nếu như người đó không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Ngoài ra các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ. (Quy định tại Điều 361 BLDS 2005 và Điều 355 BLDS 2015).
  • Thứ hai: ngoài khái niệm, BLDS 2015 vẫn kế thừa những nội dung khác của BLDS 2005 như quy định về thù lao của bên bảo lãnh ( Điều 364 BLDS 2005 và Điều 227 BLDS 2015); Về nhiều người cùng bảo lãnh (Điều 365 BLDS 2005 và Điều 338 BLDS 2015);  Và chấm dứt bảo lãnh (Điều 371 BLDS 2005 và Điều 343 BLDS 2015).  

2.2. Khác nhau:

Ngoài những điểm giống nhau kể trên, BLDS 2015 có những quy định khác biệt để hoàn thiện pháp luật và phù hợp với sự phát triển của xã hội. 

* Thứ nhất là việc bỏ quy định về hình thức bảo lãnh, không bắt buộc việc bảo lãnh phải lập thành văn bản ( Điều 362 BLDS 2005) mà tùy theo sự thỏa thuận của các bên mà thỏa thuận về bảo lãnh có thể được thể hiện bằng hợp đồng, thư bảo lãnh hoặc bằng hình thức khác như lời nói, hành vi cụ thể (Khoản 3 Điều 43 NĐ 21/2021/NĐ-CP). Việc thay đổi này cho thấy pháp luật tôn trọng sự tự do ý chí của các bên, cũng như tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc xác lập giao dịch dân sự giữa các bên với nhau.

* Thứ hai, theo Khoản 2 Điều 336 BLDS 2015 quy định về phạm vi bảo lãnh,  bổ sung thêm nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả  khoản lãi trên số tiền chậm trả, đây được xem là quy định để bảo vệ quyền lợi cho bên nhận bảo lãnh. Tại Khoản 3 Điều 336 BLDS 2015, quy định các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, theo đó bên bảo lãnh có thể cầm cố hoặc thế chấp tài sản của mình cho bên nhận bảo lãnh để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ. Giá trị của tài sản cầm cố thế chấp trên cũng chính là giới hạn phạm vi bảo lãnh mà người bảo lãnh cam kết với bên nhận bảo lãnh, nghĩa là tùy vào giá trị của tài sản này cao hơn hay thấp hơn nghĩa vụ được bảo đảm  để xác định bên bảo lãnh cam kết bảo lãnh một phần hay toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh. 

Trước đây ở BLDS 2005, do chưa có quy định rõ ràng về việc cầm cố thế chấp tài sản để đảm bảo nghĩa vụ bảo lãnh nên nhiều người nhầm lẫn đó là phương thức thế chấp cho người thứ ba. Thế chấp theo Điều 317 BLDS 2015 quy định: “Thế chấp là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp)”, xét về khái niệm ta thấy điều kiện của thế chấp là việc bên thế chấp phải dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho bên nhận thế chấp. Vậy bản chất của việc thế chấp tài sản cho người thứ ba phải được gọi là bảo lãnh, vì người thế chấp trong trường hợp trên không dùng tài sản thuộc sở hữu của mình như luật quy định để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ mà dùng tài sản thuộc sở hữu của bên thứ ba làm tài sản thế chấp. 

Tuy nhiên thực tế để rút ngắn các thủ tục rườm rà khi vừa phải ký hợp đồng thế chấp vừa phải ký hợp đồng bảo lãnh giữa các bên,và lợi dụng việc luật không quy định cụ thể về việc thế chấp cho người thứ ba, nên hiện tại vẫn có nhiều giao dịch theo kiểu thế chấp cho người thứ ba được thực hiện. Nhưng điều này gây rủi ro rất lớn cho các bên tham gia thế chấp theo kiểu này , vì cả Bộ luật cũ và cả Bộ luật hiện hành đều không có quy định về việc  thế chấp cho người thứ ba, nên nếu có tranh chấp xảy ra thì quyền và lợi ích của các bên không được bảo đảm, nhất là đối với bên thứ ba dùng tài sản của mình để làm tài sản thế chấp cho người khác.  

Vì vậy, việc BLDS 2015 ra đời và bổ sung quy định về biện pháp bảo đảm bằng tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh giúp phân biệt rõ ràng các biện pháp bảo đảm, bổ sung và củng cố quy định của pháp luật và bảo vệ lợi ích của các bên khi tham gia các giao dịch bảo đảm. Thế nên, để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, thì người tham gia vào các giao dịch bảo đảm cần xác định và hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi thực hiện các biện pháp bảo đảm, cũng như yêu cầu các bên tham gia xác lập giao dịch đúng với biện pháp bảo đảm mà pháp luật đã quy định cụ thể.  

Tóm lại, việc người thứ ba (Người bảo lãnh) cầm cố thế chấp tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ cho người khác (Người được bảo lãnh) không thể coi là thế chấp tài sản cho người thứ ba (Người nhận thế chấp), mà chính xác phải gọi là biện pháp bảo lãnh. 

Ví dụ 1: A vay của B 300 triệu đồng tiền mặt trong thời hạn 6 tháng để kinh doanh. C là chị ruột của A đứng ra bảo lãnh cho A vay số tiền trên. Khi đó giữa B và C thỏa thuận và lập hợp đồng bảo lãnh với nội dung chị C thế chấp căn nhà trị giá 500 triệu là tài sản thuộc sở hữu của C cho B, và nếu 6 tháng sau A không trả được số nợ hoặc trả không đầy đủ số tiền 300 triệu đồng thì căn nhà đó sẽ là của B. 

* Thứ ba, ngoài việc cam kết bằng tài sản, thì người bảo lãnh có thể bảo lãnh cam kết thực hiện công việc thay cho bên bảo lãnh , tuy nhiên bên bảo lãnh phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự phù hợp với nghĩa vụ được bảo lãnh (Khoản 2 Điều 43 NĐ 21/2021/NĐ-CP). Và đối với các nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh trong tương lai, thì phạm vi bảo lãnh sẽ không bao gồm các nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại. 

* Thứ tư, đối với quy định về miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. 

Theo điều 368 BLDS 2005 quy định:

Điều 368. Miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

    1. Trong trường hợp bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định phải liên đới thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
    2. Trong trường hợp chỉ một người trong số nhiều người cùng nhận bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ. »

Quy định trên cho thấy, nếu bên bảo lãnh được bên nhận bảo lãnh  miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh, thì bên được bảo lãnh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên bảo lãnh. 

Ví dụ 2 : Trong tình huống mà ví dụ 1 đã nêu ra, 6 tháng sau A do làm ăn thua lỗ nợ nần chồng chất, còn chị C tuy đã thế chấp căn nhà làm tài sản đảm bảo thực hiện nghĩa vụ cho A, nhưng hoàn cảnh của chị C cũng rất khó khăn, căn nhà là tài sản duy nhất của chị, là nơi sinh sống của 3 con nhỏ và bố mẹ già của chị C. Thấy thế, B đã quyết định miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của chị C, như vậy căn nhà của chị C không còn là tài sản để đảm bảo nghĩa vụ bảo lãnh nữa, nhưng A vẫn phải trả lại số tiền 300 triệu đã vay của B sau 6 tháng. 

Trong khi đó, theo điều 341 BLDS 2015 quy định:

Điều 341. Miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

    1. Trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
    2. Trường hợp chỉ một trong số nhiều người cùng bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.
    3. Trường hợp một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại.”

Ví dụ 3: Cũng là tình huống trong ví dụ 1, nhưng theo BLDS 2015 nếu B miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho chị C, thì A cũng không phải trả số tiền 300 triệu đã vay của B 

Việc quy định tại BLDS 2015 có sự khác biệt như vậy là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn giao kết hợp đồng bảo lãnh. Vì khi bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho bên bảo lãnh thì cũng có nghĩa là người nhận bảo lãnh đó không cần đến việc thực hiện nghĩa vụ của người bảo lãnh cũng như người được bảo lãnh nữa.  

Vì vậy, nếu như người nhận bảo lãnh đã miễn nghĩa vụ thực hiện bảo lãnh mà người được bảo lãnh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ như quy định tại BLDS 2005, quy định như vậy là thiếu hợp lý và gây ra sự thiệt thòi cho người được bảo lãnh. Vì thế để khắc phục sự thiếu hợp lý và bảo vệ lợi ích cho người được bảo lãnh, nên BLDS đã kịp thời bổ sung quy định mới này. 

3. Kết luận 

Chế định bảo lãnh được quy định tại BLDS 2015 có nhiều điểm sửa đổi và bổ sung theo hướng tích cực hơn so với Bộ luật cũ, đặc biệt là việc quy định về dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Điều này giúp chế định bảo lãnh được quy định rõ ràng hơn, tránh sự nhầm lẫn với các chế định khác như  thế chấp. Ngoài ra quy định tại BLDS 2015  nhằm đảm bảo bảo quyền và lợi ích của các bên tham gia bảo lãnh cũng như nâng cao quyền tự do quyết định của các bên trong quan hệ bảo lãnh, phù hợp với sự phát triển của xã hội. 

MT & Partners rất mong bài viết sẽ mang lại kiến thức hữu ích cho quý bạn đọc.

450

Gửi thành công