25-04-22 MT & Partners
Quyền của doanh nghiệp được ghi nhận và quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau từ Hiến pháp đến các Luật chung (Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự) và Luật chuyên ngành (Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại…). Nhưng trong đó, Luật Doanh nghiệp là văn bản pháp luật quy định mang tính tổng hợp, tương đối đầy đủ và cụ thể nhất về quyền của doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp có các quyền cơ bản sau:
“Điều 7. Quyền của doanh nghiệp
1. Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm.
2. Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.
3. Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.
4. Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.
5. Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
6. Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
7. Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
8. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.
9. Từ chối yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật.
10. Khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
11. Quyền khác theo quy định của pháp luật.”
Có thể phân chia các quyền của doanh nghiệp theo các nhóm quyền sau:
1. NHÓM QUYỀN TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH
Về cơ bản, các quyền trong hoạt động kinh doanh bao gồm các quyền: Được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh; Tự do lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn; Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng; Quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu; Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
– Quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm: Quyền tự do kinh doanh là một bộ phận hợp thành trong hệ thống các quyền tự do của công dân. Cùng với việc ghi nhận về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong chương 2 Hiến pháp năm 2013 (từ Điều 14 đến Điều 49), Điều 33 Hiến pháp ghi nhận: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Cụ thể hóa Hiến pháp, khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: doanh nghiệp có quyền “Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm”. Quyền tự do kinh doanh của thương nhân được hiểu là thương nhân được thực hiện các hoạt động thương mại mà pháp luật không cấm. Thương nhân có quyền tự do kinh doanh, nhưng không có nghĩa là tự do kinh doanh vô chính phủ, vô tổ chức mà phải kinh doanh trong khuôn khổ của pháp luật, tôn trọng quyền tự do kinh doanh của thương nhân khác. Tự do trong khuôn khổ của pháp luật có nghĩa là ngoài việc chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh mà pháp luật không cấn, khi thực hiện quyền tự do kinh doanh, thương nhân phải tuân thủ những điều kiện pháp luật quy định hoặc phải có một số nghĩa vụ tương ứng.
– Chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh: Đây là quyền xuất phát từ nguyên tắc tự do kinh doanh. Doanh nghiệp chủ động lựa chọn ngành, nghề kinh doanh sao cho phù hợp với khả năng của doanh nghiệp, nhu cầu của thị trường. Đó có thể là bất cứ ngành nghề gì, thuộc bất cứ lĩnh vực nào không thuộc danh mục ngành nghề, lĩnh vực pháp luật cấm kinh doanh. Sự lựa chọn hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của doanh nghiệp. Việc điều chỉnh ngành, nghề kinh doanh cũng được pháp luật chấp nhận ở bất cứ thời điểm nào và cũng hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của doanh nghiệp. Trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp có quyền lựa chọn địa bàn, hình thức kinh doanh, có quyền xác định quy mô kinh doanh. Pháp luật chỉ quy định vốn tối thiểu để thành lập doanh nghiệp trong một số ngành nghề, chứ không hạn chế sự phát triển về vốn cũng như quy mô kinh doanh của doanh nghiệp.
– Doanh nghiệp có quyền tự do lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn: Trong kinh doanh, vốn là yếu tố quan trọng, doanh nghiệp muốn phát triển, mở rộng quy mô kinh doanh thì phải huy động vốn ở nhiều nguồn khác nhau. Doanh nghiệp có quyền lựa chọn những hình thức và cách thức huy động vốn cho phù hợp với điều kiện cụ thể của mình và theo quy định pháp luật. Ngoài nguồn vốn ban đầu doanh nghiệp có thể huy động bằng cách tăng vốn điều lệ hoặc tạo thêm vốn bằng cách đi vay, phát hành trái phiếu theo quy định.
– Doanh nghiệp có quyền tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng: Trong nền kinh tế thị trường, việc lựa chọn khách hàng để quan hệ làm ăn là vấn đề đặc biệt quan trọng. Pháp luật không cấm đoán việc lựa chọn bạn hàng để giao dịch, ký kết hợp đồng. Việc giao dịch với ai là phụ thuộc vào ý chí của doanh nghiệp, doanh nghiệp có quyền trực tiếp giao dịch để ký kết hợp đồng theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và không trái pháp luật. Đây cũng là một trong những công cụ để doanh nghiệp có thể có chỗ đứng, tồn tại trong môi trường kinh doanh mà cạnh tranh chính là động lực chủ yếu của phát triển.
– Quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu: Đây là sự đảm bảo pháp lý quan tọng cho các doanh nghiệp có một sân chơi đủ rộng và bình đẳng để phát triển hoạt động kinh doanh. Theo nội dung của quyền này, doanh nghiệp có quyền trực tiếp tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của mình bằng xuất khẩu cũng như nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, phù hợp với chức năng kinh doanh đã được xác định trong Giấy chứng nhận kinh doanh.
– Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ: Trong phạm vi ngành nghề đã đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp có quyền tự mình quyết định những vấn đề phát sinh trong hoạt động kinh doanh.
2. NHÓM QUYỀN ĐỐI VỚI TÀI SẢN
Doanh nghiệp có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp. Để tồn tại và hoạt động, doanh nghiệp phải có tài sản và những quyền năng nhất định đối với tài sản đó. Doanh nghiệp có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình để phục vụ cho các hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có những sự khác biệt nhất định trong việc thực hiện các quyền năng về tài sản giữa các loại hình doanh nghiệp. Việc trao cho doanh nghiệp quyền chủ sở hữu đối với tài sản của mình tạo điều kiện cho các loại hình doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế thị trường trên cơ sở tự quyết, linh hoạt đối với việc sử dụng vốn đầu tư.
3. NHÓM QUYỀN TRONG TỔ CHỨC QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP
Doanh nghiệp có quyền tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động: Căn cứ vào yêu cầu kinh doanh, doanh nghiệp tự quyết định số lượng lao động cần tuyển dụng, thuê mướn, quy định những yêu cầu về nghề nghiệp, trình độ của người lao động.
4. NHÓM QUYỀN KHÁC CỦA DOANH NGHIỆP
Quyền của doanh nghiệp luôn đặt trong sự quản lý của Nhà nước. Nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng cũng như để hoạt động quản lý của Nhà nước không mang tính lạm dụng, pháp luật về doanh nghiệp cũng quy định cho doanh nghiệp các quyền để tự mình có thể bảo đảm quyền lợi trước các nguy cơ bị lạm dụng trong quá trình quản lý hành chính nhà nước. Các quyền đó là quyền từ chối yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật; Quyền khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
MT & Partners rất mong bài viết sẽ mang lại kiến thức hữu ích cho quý bạn đọc.
276