MT&Partners

Thay đổi về thẩm quyền ủy quyền đăng ký thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp 2020

06-04-22 MT & Partners

Luật Doanh nghiệp 2020 ra đời và có nhiều sự thay đổi so với Luật Doanh nghiệp 2014, trong đó có sự thay đổi nhỏ về quy định về thẩm quyền người ký giấy ủy quyền đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể như sau:

1. Ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2014

Điều 11 NĐ 78/2015/NĐ-CP quy định: Trường hợp người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp”” 

  • Ta thấy, chủ thể có thẩm quyền ủy quyền liên quan đến đăng ký doanh nghiệp là:Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp.  
  • Theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì “Người thành lập doanh nghiệp là tổ chức, cá nhân thành lập hoăc góp vốn để thành lập doanh nghiệp” (Khoản 19 Điều 4 LDN 2014); Doanh nghiệp ở đây cụ thể là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (Khoản 1 Điều 13 LDN 2014). Trong thực tế, khi thực hiện các thủ tục điều chỉnh đăng ký doanh nghiệp thì người đại diện pháp luật sẽ là người chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục đó. 
  • Việc quy định người đại diện pháp luật là người có thẩm quyền ký ủy quyền cho cá nhân/ tổ chức khác thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp như Luật Doanh nghiệp 2014 đã có những bất cập mà thực tế các doanh nghiệp đã gặp phải. Ví dụ như việc doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi NĐDPL, thì người có thẩm quyền ký Thông báo thay đổi được quy định tại Điều 43 Nghị định 78/2015 và NDDPL cũ không có thẩm quyền ký vào văn bản này nhưng lại có thẩm quyền ký vào văn bản ủy quyền. Vậy nên sẽ có trường hợp người đại diện cũ bất hợp tác và không ký vào văn bản ủy quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục điều chỉnh.

2. Ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020

Điều 12 NĐ 01/2021/NĐ-CP quy định: Người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp 

  • Luật Doanh nghiệp 2020 đã điều chỉnh đối với người có thẩm quyền ký vào văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp cũng chính là người có quyền ký ủy quyền cho cá nhân/ tổ chức khác thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. 
  • Việc điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp 2020 đã loại bỏ bất cập như quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014, và giúp doanh nghiệp dễ dàng trong việc thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. 
  • Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều trường hợp doanh nghiệp nộp 1 bộ hồ sơ nhưng điều chỉnh nhiều nội dung khác nhau như: vừa thay đổi NDDPL, vừa thay đổi tên công ty, và thay đổi ngành nghề kinh doanh. Ta thấy trong trường hợp này thì cả người đại diện pháp luật và cá nhân khác như Chủ tịch HĐQT đối với CTCP hay Chủ tịch công ty đối với Công ty TNHH MTV… (Điều 50 Nghị định 01/2021) đều có thẩm quyền ký vào từng loại văn bản điều chỉnh khác nhau, vậy thẩm quyền ký giấy ủy quyền ở đây là ai?  Theo ý kiến của người viết, để đảm bảo việc thống nhất và thuận tiện nhất thì doanh nghiệp nên chỉ định cá nhân nào là người có thẩm quyền ký vào văn bản thay đổi người đại diện pháp luật thì cũng là người ký các văn bản điều chỉnh còn lại cũng như giấy ủy quyền, điều này vừa giúp thuận lợi cho doanh nghiệp mà cũng không trái với quy định của pháp luật hiện hành. 

Kết luận: Qua việc thay đổi đối với thẩm quyền kí ủy quyền đăng kí doanh nghiệp đã giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các thủ tục đăng kí doanh nghiệp. Tuy chỉ là 1 thay đổi nhỏ, nhưng mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp, và thể hiện sự sự tiến bộ, cập nhật kịp thời  của Luật Doanh Nghiệp 2020, và sự lắng nghe của các nhà làm luật góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hồ sơ đăng kí doanh nghiệp. 

MT&Partners rất mong bài viết sẽ mang lại kiến thức hữu ích cho quý bạn đọc.

219

已提交